Bàn thờ gia tiên gồm những gì? Cách sắp xếp, bài trí đúng nhất
Thờ gia tiên – tín ngưỡng được giữ gìn từ ngàn đời nay là nét đẹp văn hóa, nhắc nhở con cháu luôn hướng về cội nguồn của dân tộc Việt. Để có thể sắp xếp, bài trí bàn thờ đúng cách, trước tiên cần nắm rõ bàn thờ gia tiên gồm những gì?
Bàn thờ gia tiên – Tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc Việt
Trong văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, bàn thờ gia tiên (bàn thờ ông bà) có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống tinh thần. Tín ngưỡng này gắn liền với nghi lễ cúng bái để bày tỏ sự biết ơn, đời đời nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của những thế hệ đi trước.
Người Việt cho rằng, khi ai đó mất đi, linh hồn sẽ bước sang một thế giới khác. Vì vậy, thế hệ sau vẫn thể hiện sự biết ơn bằng cách sắp xếp, bài trí bàn thờ chỉn chu đồng thời cần phải cúng bái hàng ngày.
Tín ngưỡng này được duy trì và được thế hệ sau tiếp nối, kế thừa. Cứ như vậy, những người đã khuất đều sẽ được nhớ đến mỗi ngày và công lao sinh thành, dưỡng dục luôn nằm sâu trong tâm trí của con cháu. Chính nét đẹp sâu sắc này đã giúp tín ngưỡng thờ gia tiên được gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.
Không khó để nhận thấy rằng, trong mỗi gia đình người Việt, dù sang giàu hay bình dân, nghèo khó đều sẽ có bàn thờ gia tiên. Nói điều này để thấy rằng, thờ gia tiên đã trở thành nét đẹp văn hóa ăn sâu vào trong tiềm thức và tâm trí của người Việt.
Những ngày thông thường, con cháu thường sẽ thắp nén nhang để cúng bái tổ tiên. Vào những ngày rằm, mùng 1, ngày giỗ hay lễ tết, bàn thờ được trang hoàng với đầy đủ hoa, thức ăn, bánh trái,… Trong quan niệm của người Việt, đây là những ngày đặc biệt để tưởng nhớ người đã khuất. Bàn thờ phải được bài trí gọn gàng, chỉn chu, đầy ắp hoa quả và phải đặc biệt hơn những ngày thông thường.
Dù cuộc sống có đổi dời như thế nào đi chăng nữa, thờ gia tiên vẫn luôn là tín ngưỡng, nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Việt. Ngôi nhà mà không có bàn thờ gia tiên chắc hẳn không phải là một ngôi nhà của người Việt đúng nghĩa.
Vì sao cần bài trí bàn thờ gia tiên đúng cách?
Trong thâm tâm của mỗi người, những người thân khi đã khuất không hề mất đi mà vẫn sẽ ở một nơi nào đó, che chở, soi đường, phù hộ cho con cháu. Và bàn thờ được xem như “phương thức” liên lạc kỳ lạ. Tại đây, con cháu có thể gửi đến những người đã khuất những lời đầy kính trọng, những mong muốn, ước mơ chưa thể thành hiện thực.
Sắp xếp bàn thờ đẹp mắt, chỉn chu là cách để thế hệ sau thể hiện sự biết ơn đối với những người đã khuất. Bàn thờ không được chăm sóc được cho là điều cấm kỵ. Người ta quan niệm rằng bàn thờ cũ kỹ, nhiều bụi bặm, ít được chăm sóc là hành vi tắc trách. Những gia đình không chú ý vấn đề này sẽ khó có thể làm ăn thuận lợi vì không được ông bà tổ tiên phù hộ.
Quan niệm trên có thể không được khoa học trong suy nghĩ của nhiều người. Thế nhưng việc chăm sóc, bài trí bàn thờ đẹp vẫn nên được thực hiện. Đó là cách để con cháu đời sau thể hiện lòng biết ơn với công lao to lớn của những người đi trước.
Có thể thấy rằng, nét đẹp “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ được thể hiện qua lời ăn tiếng nói hằng ngày hay những ngày lễ đặc biệt, mà còn hiện diện rõ ràng qua thói quen cúng bái của người Việt. Dù một số tín ngưỡng đã dần bị mai một nhưng thờ gia tiên vẫn được gìn giữ cho đến ngày hôm nay.
Bàn thờ gia tiên gồm những gì?
Bất cứ ai cũng đều có nguồn cội và gốc rễ. Cái gốc đó không chỉ đơn thuần chỉ là ruột rà mà đó chính là cùng thờ phụng ông bà tổ tiên. Gốc rễ của người Việt không ở đâu xa xôi mà có thể dễ dàng tìm thấy trong không gian thờ cúng.
Bàn thờ gia tiên không chỉ là nơi để con cháu tỏ bày sự tôn kính, biết ơn với những người đã khuất mà còn gia tăng may mắn, tài lộc cho gia chủ. Sắp xếp bàn thờ đúng cách sẽ giúp những người đã khuất lắng nghe được lời thỉnh cầu để có thể soi sáng, phù hộ cho thế hệ sau.
Trước khi sắp xếp, bài trí bàn thờ gia tiên, cần hiểu rõ bàn thờ gia tiên gồm những gì? Thực tế, từ xưa đến nay không quy định bàn thờ bắt buộc phải có những vật dụng thờ cúng gì. Việc chuẩn bị, sắp xếp như thế nào phụ thuộc vào nếp sống và kinh tế của từng gia đình.
Bàn thờ gia tiên cơ bản sẽ gồm có những vật dụng sau đây:
- Bàn thờ
- Bát hương
- Ảnh thờ (bài vị)
- Kỷ chén thờ
- Mâm bồng
- Bình hoa
- Chóe thờ (vật phẩm thờ cúng đựng nước, gạo, muối)
- Nậm rượu
- Ống đựng hương (ống đựng nhang)
- Đèn thờ
- Hoành phi câu đối
- Tranh thờ
- Cuốn thư
- Một số vật phẩm thờ cúng khác (khám thờ/ ngai thờ, bộ tam sự, ngũ sự,…)
Ngoài ra, vào những dịp đặc biệt như lễ tết hoặc ngày giỗ, cần dùng riêng bộ đũa, bát thờ, ấm chén thờ,… để cúng và dâng thức ăn. Tuyệt đối không được dùng chung chén bát với những người đã khuất.
Như đã đề cập, không bắt buộc bàn thờ gia tiên phải đầy đủ tất cả các vật phẩm. Tùy theo kích thước của bàn thờ và không gian thờ cúng mà chọn vật phẩm phù hợp. Tuy nhiên, bàn thờ gia tiên nhất định phải có bài vị (ảnh thờ), bát hương, bộ chén nước, đèn thờ, mâm thờ và lọ hoa.
Cách sắp xếp, bài trí bàn thờ gia tiên đúng phong tục
Bàn thờ có rất nhiều vật dụng nên nếu không biết cách sắp xếp, tổng thể sẽ rất lộn xộn và thiếu trật tự. Tranh thờ Đức Phát sẽ hướng dẫn bạn đọc cách sắp xếp, bài trí bàn thờ gia tiên đẹp, đúng phong tục.
1. Vị trí đặt bàn thờ
Trước khi sắp xếp, cần phải xác định vị trí đặt bàn thờ. Bàn thờ là nơi thờ cúng tổ tiên và những người đã khuất. Do đó, bắt buộc phải đặt ở nơi thoáng đãng và rộng rãi. Trước đây, nhà được xây theo kiểu ba gian, bàn thờ sẽ được đặt ở chính giữa căn nhà ngay cửa lớn.
Ngày nay, không gian sống bị thu hẹp nên bắt buộc phải xây nhiều tầng để đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, bàn thờ cần phải được đặt ở tầng cao nhất và nên ưu tiên đặt phía trước.
Một lưu ý khác khi chọn vị trí đặt bàn thờ là nên đặt bàn thờ phía trước bức vách kiên cố hoặc bức tường. Không nên đặt chông chênh ở giữa nhà hoặc những nơi không có điểm tựa. Cần phải đảm bảo không gian thờ cúng lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng, thoáng đãng để tôn lên sự uy nghi và linh thiêng.
2. Hướng đặt bàn thờ
Theo quan niệm của người Việt, bàn thờ nên được đặt hướng ra cửa chính với tràn ngập ánh sáng. Không nên đặt ngược hướng với hướng nhà dẫn dến xung khắc ngũ hành, tương phản âm dương. Hơn nữa, nếu đặt ngược, không gian của bàn thờ sẽ thiếu ánh sáng và mất đi sự uy nghi, trang nghiêm vốn có.
Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng hướng đặt bàn thờ không được quá ồn ào, không tiếp xúc gần với nước và lửa. Không gian xung quanh phải ngăn nắp, sạch sẽ, không khí trong lành và yên tĩnh. Như vậy, người đã khuất mới có thể thật sự yên nghỉ, không bị xáo động bởi những thanh âm của dương thế.
3. Bố trí bài vị (ảnh thờ) đúng thứ tự
Trên bàn thờ, bài vị là vật quan trọng nhất. Bài vị tượng trưng cho những người đã khuất. Thông thường, người Việt sẽ thờ bài vị hoặc ảnh thờ (nếu có). Một số người còn chu đáo thờ Bài vị, tranh thờ Cửu Huyền Thất Tổ để ghi nhớ công ơn của những bậc ông cha đi trước.
Phần lớn người Việt theo đạo Phật nên trên bàn thờ gia tiên sẽ có bài vị Phật. Trong trường hợp này, cần phải sắp xếp đúng thứ tự, tránh xung khắc âm dương. Nếu thờ cả Phật và tổ tiên trên bàn thờ, phải đặt bài vị Phật ở bên trái và bài vị tổ tiên ở bên Phải.
Xét riêng bài vị tổ tiên, cần tuân theo nguyên tắc nam tả – nữ hữu, tức là nam bên trái và nữ bên phải. Trên bàn thờ nếu có nhiều di ảnh, bài vị, phải đặt người lớn ở trên cao và người ở thế hệ sau đặt thấp hơn. Trường hợp bàn thờ có ngai thờ, ngai thờ phải được đặt ở vị trí trung tâm và khung ảnh được đặt hai bên.
4. Sắp xếp bát hương
Trên bàn thờ, ngoài di ảnh và bài vị thì bát hương có vai trò quan trọng nhất. Đây cũng là vật phẩm thờ cúng mà người Việt rất hiếm khi thay đổi. Khi chuyển nhà, người ta đều giữ nguyên bát hương và chỉ đổi mới những vật phẩm thờ cúng khác trong trường hợp hư hại, cũ kỹ.
Bát hương giống như là phương thức “kết nối” giữa người dương và những người đã khuất. Khi cúng bái, con cháu thường sẽ thắp hương (thắp nhang) và cầu khấn. Bát hương sẽ được đặt ở phía trước di ảnh hoặc bài vị. Thông thường, mỗi bàn thờ gia tiên sẽ có 3 bát nhang bao gồm 1 bát nhang thờ Phật, 1 bát nhang thờ gia tiên và 1 bát nhang thờ Ông Mãnh Bà Cô (những người thân mất sớm trong khoảng 12 – 18 tuổi).
Bát nhang thờ thần linh phải có kích thước lớn nhất và được kê cao nhất. Sau đó là bát nhang thờ gia tiên và bát nhang nhỏ nhất là thờ Ông Mãnh Bà Cô. Khi sắp xếp bát hương, không nên để quá gần hoặc quá xa. Tùy theo kích thước của bàn thờ để điều chỉnh kích thước của bát hương nhưng khoảng cách lý tưởng nhất là khoảng 10 – 15cm.
5. Bài trí các vật phẩm thờ cúng khác
Sau khi đã bài trí bài vị và bát hương, có thể dễ dàng sắp xếp các vật phẩm thờ cúng khác lên bàn thờ. Thực tế, ngoài vị trí của bài vị và bát hương, những vật phẩm khác không cố định vị trí. Cách bài trí có thể thay đổi tùy theo vùng miền và nếp sống của từng gia đình.
Nếu chưa có kinh nghiệm và muốn sắp xếp bàn thờ đúng cách, đúng phong tục, những thông tin sẽ giúp cho việc bài trí trở nên đơn giản hơn:
- Mâm bồng: Mâm bồng là vật phẩm dùng để đựng hoa quả, bánh kẹo con cháu dâng lên tổ tiên vào những dịp rằm, mùng 1 hay những ngày lễ quan trọng như lễ tết, ngày giỗ,… Mâm bồng sẽ được đặt phía trước di ảnh bên cạnh bên bát hương.
- Đèn thờ: Đèn thờ giúp cho không gia thờ cúng thêm ấm cúng và trang nghiêm. Đèn thờ thường được đặt ở hai bên cạnh di ảnh và bài vị. Ánh sáng từ đèn thờ được thắp sáng vào mỗi buổi tối, mang đến sinh khí và gia tăng tính thẩm mỹ cho không gian thờ cúng. Nếu bàn thờ rộng, có thể đặt thêm đèn dầu để bàn thờ được ấm cúng hơn.
- Kỷ chén thờ: Kỷ chén thờ thường sẽ có số lượng 3 hoặc 5 chén tùy theo diện tích của bàn thờ. Chén thờ sẽ được đặt ở trung tâm trước bát hương lớn nhất. Chén thờ cần được vệ sinh, thay nước và thay rượu thường xuyên.
- Ống cắm nhang: Ống cắm nhang (ống đựng hương) là vật phẩm không bắt buộc. Thường vật phẩm này sẽ được đặt ở phía ngoài, không quy định cụ thể vị trí đặt nhưng cần đảm bảo sao cho không che mấy di ảnh và không làm xáo trộn bố cục của mâm bồng, bát hương,…
- Bình hoa: Bình hoa thường sẽ được đặt hai bên mâm bồng. Nên chọn bình có kích thước vừa phải, không chọn bình quá cao hoặc quá lớn vì sẽ che mất di ảnh của người đã khuất.
- Cuốn thư: Để không gian thờ cúng bớt trống trải, có thể trang trí thêm cuốn thư. Cuốn thư thường được đặt trên cao và được gắn cố định vào tường. Trên cuốn thư thường sẽ có dòng chữ Phúc Mãn Đường hoặc chữ Đức Lưu Quang.
- Hoành phi câu đối: Hoành phi câu đối được đặt ở hai bên bàn thờ và được gắn cố định vào tường như cuốn thư. Trên hoành phi thường là những lời nhắc nhở con cháu phải sống đúng, hướng thiện để gìn giữ phúc đức của dòng tộc. Chữ có thể được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Hán.
Nếu có sử dụng thêm những vật phẩm thờ cúng khác, có thể bài trí vào những không gian trống. Tuy nhiên, phải đảm bảo không che mất di ảnh và không làm dịch chuyển vị trí của những vật phẩm thờ cúng trên.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, chỉ nên mua vừa phải và nên chuẩn bị trước những vật bắt buộc phải có, sau đó mới sắm sửa thêm tùy theo kích thước của bàn thờ. Tránh mua quá nhiều khiến cho không gian thờ cúng bị tù bí, lộn xộn. Một số người phải bỏ khá nhiều vật phẩm thờ cúng vì không có sự tính toán trước.
Sắp xếp, bài trí bàn thờ đúng cách theo phong tục sẽ giúp gia tăng may mắn, vận khí cho gia chủ. Con cháu vì thế sẽ được hưởng sự che chở, phù hộ của tổ tiên. Không gian thờ cúng trang nghiêm cũng tôn lên tính thẩm mỹ cho căn nhà, mang đến sự thoải mái và hài hòa cho gia chủ.
>> THAM KHẢO NGAY: 68 MẪU TRANH TRANG TRÍ BÀN THỜ GIA TIÊN CAO CẤP
Những điều cấm kỵ khi sắp xếp bàn thờ gia tiên
Bàn thờ gia tiên là nơi thiêng liêng nên không thể sắp xếp và bài trí một cách cảm tính. Do đó khi sắp đặt bàn thờ, gia chủ cần phải tìm hiểu kỹ tránh phạm phải những điều cấm kỵ. Dân gian lưu truyền khá nhiều những vấn đề cần tránh khi bài trí bàn thờ để hạn chế xung đột âm dương gây ra tai họa cho gia đình.
Khi sắp xếp bàn thờ gia tiên, cần tránh phạm phải những điều cấm kỵ sau:
- Bàn thờ luôn phải giữ trong trạng thái ngăn nắp và gọn gàng. Bàn thờ gia tiên có thể đơn sơ nhưng vẫn phải đảm bảo tính trang nghiêm. Không đặt những vật dụng linh tinh thường ngày hay sử dụng lên đó như dao kéo, thìa muỗng,…
- Phải dọn dẹp bàn thờ mỗi ngày, không để bàn thờ bám bụi, mạng nhện. Đặc biệt, nước và rượu cần được thay mới thường xuyên để đảm bảo sự trang nghiêm của không gian thờ cúng.
- Chú ý vệ sinh, dọn dẹp không gian xung quanh thường xuyên. Không để khu vực xung quanh bàn thờ bám nhiều bụi bặm, không khí ô uế do không được làm sạch thường xuyên.
- Hạn chế dùng hoa nhựa để thờ phụng. Tốt nhất nên dùng hoa tươi để có thể bày tỏ được thành ý và sự tôn trọng đến các bậc ông cha. Nếu không có nhiều thời gian, có thể thờ cúng bằng cây sống đời hoặc những loài cây tươi lâu, không cần phải chăm sóc thường xuyên.
- Không đặt bàn thờ gia tiên ở những nơi gần bếp hoặc nhà vệ sinh. Ngoài ra, cần tránh đặt bàn thờ ở những có quá nhiều cửa sổ sẽ khiến tài lộc bị hao tán. Nếu có nhiều cửa sổ, phải đóng kín và có rèm cửa nhưng vẫn phải đảm bảo cửa chính rộng để phòng thờ luôn được thoáng đãng và tràn ngập ánh sáng.
- Không nên đặt bàn thờ dưới xà ngang hoặc gần trụ, cột của nhà. Trong quan niệm phong thủy, những vị trí này sản sinh ra nhiều hung khí nên sẽ gây xung khắc, không tốt cho gia chủ.
Thờ gia tiên là tín ngưỡng vô cùng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Thế nhưng hiện nay, nhiều người không thật sự am hiểu về tín ngưỡng này dẫn đến gặp khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp bàn thờ gia tiên. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề bàn thờ gia tiên gồm những gì và một số điều cấm kỵ khi bài trí bàn thờ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!